Vĩnh Long: những kết quả đạt được trong thực hiện
nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2019
Năm 2019, công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được tổ chức thực hiện với nhiều thuận lợi, nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Qua một năm triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác Tư pháp tỉnh Vĩnh Long góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả đạt được, như sau:
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, góp ý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã ban hành 43 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó 32 Quyết định, 11 Nghị quyết); thẩm định được 98 dự thảo văn bản; tham gia đóng góp 86 dự thảo VBQPPL của Trung ương và địa phương; tự kiểm tra 36 văn bản; kiểm tra theo thẩm quyền 03 văn bản; đã rà soát được 27 văn bản quy phạm pháp luật; đã thực hiện cập nhật 57 văn bản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật: Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp được 16.912 cuộc, có 467.222 lượt người tham dự; thi tìm hiểu pháp luật được 100 cuộc với 1.332 lượt người dự thi, số tài liệu PBGDPL được phát hành là 115.058 bản, trong đó tài liệu đăng tải trên mạng internet là 2.153 bản; Phát hành 19.800 bản tin tư pháp. Hiện có 847 tổ hòa giải với 6.234 hòa giải viên (tăng 31 hòa giải viên so với năm 2018). Trong năm, các tổ hòa giải đã tiếp nhận tổng số 1.388 vụ hòa giải, thực hiện hòa giải thành 1.275 vụ, đạt tỉ lệ 91,85%, hòa giải không thành 111 vụ.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật: Sở Tư pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ được UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật năm 2019 được 01 cuộc với 80 lượt người dự. Sau hội nghị tập huấn, các đơn vị đã tự triển khai, hướng dẫn lại nghiệp vụ công tác này cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thuộc đơn vị địa phương.
Công tác hành chính tư pháp: Năm 2019,
Công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi: đã tiếp nhận và giải quyết 47 trường hợp yêu cầu trích lục bản sao hộ tịch; 81 trường hợp đăng ký khai sinh, 15 trường hợp đăng ký khai tử, 508 người đăng ký kết hôn; giải quyết 02 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam; tiếp nhận và giải quyết 02 trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, 01 trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam; 02 trường hợp xác nhận có quốc tịch Việt Nam, trao 06 quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, 23 trường hợp nuôi con nuôi trong nước tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; Cấp trên 8.571 lý lịch tư pháp đúng theo quy định của pháp luật và kịp thời theo yêu cầu của công dân.
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp, cụ thể:
- Công tác Luật sư, tư vấn pháp luật: Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 tổ chức hành nghề luật sư (29 Văn phòng luật sư, 03 Công ty Luật) và 09 Chi nhánh, 17 Văn phòng giao dịch thuộc các tổ chức hành nghề luật sưvới 67 luật sư và 18 người tập sự hành nghề luật sư. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 866 vụ việc, tổng doanh thu 1.470.500.000 đồng, nộp thuế: 133.932.138 đồng.
- Công tác Công chứng: Toàn tỉnh có 08 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 01 Phòng công chứng và 07 Văn phòng công chứng hợp danh) hoạt động với 15 công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 35.532 việc công chứng, chứng thực75.927 bản sao và 1.013 việc chứng thực chữ ký. Tổng số phí thu được 10.496.732.600 đồng. Nộp ngân sách/thuế 1.138.531.270 đồng.
- Công tác Bán đấu giá tài sản: Hiện trên địa bàn tỉnh có 06 tổ chức đấu giá tài sản hoạt động với 13 đấu giá viên. Các tổ chức đấu giá tài sản đã ký kết 325 hợp đồng với tổng giá khởi điểm 306.875.410.822 đồng. Tổ chức bán đấu giá thành 189 cuộc với tổng giá trị bán của tài sản là 21.749.233.071 đồng. Số tiền thù lao thu được 1.145.360.757 đồng, nộp ngân sách 114.321.899 đồng.
- Công tác Trợ giúp pháp lý: Năm 2019, đã thực hiện trợ giúp lý được 295 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 295 vụ việc với 295 lượt người yêu cầu trợ giúp pháp lý, các đối tượng được trợ giúp chủ yếu là người nghèo, người có công, người cao tuổi, trẻ em không nơi nương tựa...
- Công tác Giám định tư pháp: toàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập hoạt động với 35 giám định viên. Ngoài ra, còn có 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc với 33 người giám định tư pháp theo vụ việc.Trong năm, các tổ chức giám định đã thực hiện tổng số 991 vụ việc giám định,chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như pháp y, kỹ thuật hình sự.
- Công tác Thừa phát lại: Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 văn phòng Thừa phát lại hoạt động với 06 Thừa phát lại và 06 thư ký nghiệp vụ. Trong năm, các văn phòng Thừa phát lại đã đã tống đạt được 34.281 văn bản các loại với tổng doanh thu 1.758.140.000 đồng. Lập và đăng ký 37 vi bằng với tổng doanh thu 157.375.000 đồng.
Ngoài ra, công tác tổ chức bộ máy trong ngành Tư pháp Vĩnh Long được thực hiện thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, nghiêm minh; công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết nhiệm vụ Tư pháp ngày càng chặt chẽ; công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư; thực hiện cơ chế một cửa ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của tổ chức và công dân; hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2019, Ngành Tư pháp đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, như sau:
Một là: Thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2020, trong đó trọng tâm là các văn bản thể chế hóa các các Nghị quyết, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thẩm định văn bản.
Hai là: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc tăng cường đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị TW 6 (khóa XII) và Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Ba là: Đẩy mạnh công tác tổ chức triển khai pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua, gắn với việc triển khai hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022; Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phố biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021.
Bốn là: Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Tập trung nguồn lực tham gia thực hiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017- 2021; thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp đảm bảo đúng tinh thần theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp./.