Tháo gỡ vướng mắc trong quy định liên quan đến báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật (BCVPL) là đội ngũ nòng cốt trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm giúp nhân dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhận thức vai trò quan trọng này, tỉnh Vĩnh Long hàng năm đều rà soát, củng cố đội ngũ BCVPL. Trong năm 2019 UBND tỉnh công nhận 23 BCVPL và miễn nhiệm 31 BCVPL cấp tỉnh, do đó tổng số BCVPL cấp tỉnh là 258. Bên cạnh kết quả đạt được, trong thời gian qua việc rà soát, củng cố đội ngũ BCVPL trên địa bàn tỉnh theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 và Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về BCVPL, tuyên truyền viên pháp luật (Thông tư số 10/2016/TT-BTP) đã phát sinh vướng mắc trong việc công nhận và miễn BCVPL, cụ thể:
- Thứ nhất: Trong quy định của Thông tư số 10/2016/TT-BTP quy định cơ quan đề nghị công nhận BCVPL chỉ cần gửi văn bản đề nghị bao gồm các thông tin quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTP bao gồm: Họ và tên; Chức vụ, chức danh (nếu có) và cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác; Trình độ chuyên môn; lĩnh vực pháp luật chuyên môn sâu dự kiến kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, còn đối với thông tin về tiêu chuẩn để được công nhận BCVPL quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật PBGDPL năm 2012 bao gồm: có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác; Có khả năng truyền đạt; Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm thì pháp luật không quy định trong văn bản đề nghị, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền công nhận không thể biết được người được đề nghị có đủ tiêu chuẩn để được công nhận BCVPL hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan đề nghị hiểu sai về quy định mà đề nghị những người chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận BCVPL thì cơ quan có thẩm quyền không thể biết được cơ quan đó đề nghị người không đủ tiêu chuẩn để được công nhận, bởi lẽ trong thực tế trong thời gian qua khi Sở Tư pháp nhận các văn bản đề nghị công nhận BCVPL đã có trường hợp người được đề nghị công nhận BCVPL chưa đủ điều kiện về thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật, thậm chí còn nhiều cơ quan đề nghị chưa nắm rõ quy định về điều kiện để công nhận BCVPL.
- Thứ hai: Trong quy định của Thông tư số 10/2016/TT-BTP không có quy định biểu mẫu các thông tin cần có của người được đề nghị, như vậy các cơ quan sẽ tự do làm văn bản theo cách thức riêng có thể biểu mẫu, có thể trình bày văn xuôi thông tin về báo cáo viên pháp luật, nhưng nếu ghi thông tin bằng văn xuôi thì nếu như cơ quan đề nghị cùng lúc đề nghị công nhận nhiều người thì văn bản thể hiện sẽ dài và không súc tích, đồng thời không thể hiện tính thống nhất trong cách trình bày văn bản đề nghị của các cơ quan.
- Thứ ba: Đối với quy định tiêu chuẩn của BCVPL phải phải có khả năng truyền đạt, tuy nhiên thực tế địa phương có nhiều người đã được công nhận BCVPL khi thực hiện việc báo cáo còn lúng túng, chưa chuyên nghiệp.
- Thứ tư: Xét thấy việc công nhận, miễn nhiễm BCVPL không cần thiết thực hiện thường xuyên trong năm như quy định hiện hành mà chỉ cần thực hiện trong 6 tháng đầu năm và cuối năm để tránh trường hợp Chủ tịch UBND phải ban hành nhiều quyết định công nhận, miễn nhiệm BCVPL như quy định hiện hành.
- Thứ năm: Đối với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 10/2016/TT-BTP quy định Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp; tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ như phân công, giới thiệu BCVPL thuộc phạm vi quản lý cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu để thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo quy định này, có thể hiểu chỉ có BCVPL thuộc cơ quan, đơn vị nào quản lý thì cơ quan, đơn vị đó mới có quyền phân công, giới thiệu báo cáo viên pháp luật của cơ quan mình cho các đơn vị khác có nhu cầu cần người báo cáo về lĩnh vực chuyên môn của cơ quan đó, còn đối với Sở Tư pháp có quyền quản lý BCVPL cấp tỉnh hay không pháp luật không quy định rõ trong bất kỳ nội dung văn bản nào mà theo quy định trong chức năng nhiệm vụ của Sở Tư pháp thì Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu UBND tỉnh có thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh trong việc công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật. Bởi pháp luật chỉ quy định việc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị danh sách BCVPL, quyết định công nhận BCVPL, quyết định miễn nhiệm BCVPL,... thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị đó nên Sở Tư pháp có quyền quản lý BCVPL cấp tỉnh hay không để thực hiện công tác này thì trong Thông tư hướng dẫn không quy định rõ. Đồng thời, việc công bố danh sách BCVPL theo Thông tư số 10/2016/TT-BTP không quy định cụ thể cần có những nội dung thông tin nào trong danh sách BCVPL do đó thực tế trước đây danh sách theo dõi BCVPL chỉ có thông tin về họ tên, năm sinh, đơn vị công tác của BCVPL mà không có thông tin về quyết định công nhận và miễn nhiệm BCVPL.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên trong việc công nhận, miễn nhiễn BCVPL, tác giả đề xuất các giải pháp như sau:
- Để đảm bảo nắm được thông tin về tiêu chuẩn của người được đề nghị được đúng theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành quy định cụ thể về thành phần hồ sơ bao gồm văn bản đề nghị có các thông tin theo quy định khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTP và quy định cụ thể yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính thì phải có tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật PBGDPL năm 2012 (Quyết định số 1952/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp Vĩnh Long. Đây là giải pháp giúp cho cơ quan đề nghị nắm cụ thể quy định để đảm bảo cơ quan đề nghị chọn lựa người có đủ điều kiện đề nghị công nhận. Tuy nhiên như đã phân tích nếu như pháp luật không quy định thông tin về thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật thể hiện trong văn bản đề nghị thì cơ quan có thẩm quyền không nắm được thông tin của người được đề nghị để công nhận, do đó để tháo gỡ bất cập trong quy định của pháp luật còn thiếu sót, chưa đầy đủ, rõ ràng, trong thời gian qua Sở Tư pháp khi tiếp nhận văn bản đề nghị có yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung thêm thông tin về thời gian công tác trong lĩnh vực của người đề nghị trong nội dung văn bản đề nghị để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định nhằm đảm bảo thông tin về tiêu chuẩn của người được đề nghị được thực hiện đúng quy định giúp cơ quan công nhận không tốn kém thời gian để thẩm tra lại.
- Sở Tư pháp có thể linh hoạt khi xây dựng công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh rà soát, công nhận miễn nhiệm BCVPL có đính kèm công văn biểu mẫu các thông tin cần có của người được đề nghị theo quy định của pháp luật để, vì hiện nay UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 về phê duyệt quy trình nội bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật thuộc thẩm quyết giải quyết của Sở Tư pháp Vĩnh Long, theo đó quy định cụ thể tổng thời gian để giải quyết công nhận của các bộ phận tiếp nhận và tham mưu rất ngắn phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, nếu không đưa ra giải pháp như vừa nêu thì phải tốn kém thời gian thẩm tra như gọi điện xác minh hay hướng dẫn lại, yêu cầu cơ quan đề nghị cho biết các thông tin chưa rõ, đều này không phù hợp với công cuộc cải các hành chính phải giải quyết nhanh chóng trong công việc.
- Các cơ quan, đơn vị cần có giải pháp đưa đội ngũ sẽ thực hiện BCVPL tham gia khóa bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền hay học các khóa nghiệp vụ sư phạm để nâng cao kỹ năng tuyên truyền, từ đó có cơ sở đề đề nghị công nhận BCVPL
- Sau khi tổng hợp danh sách những người được đề nghị công nhận, miễn nhiệm BCVPL của các các cơ quan, tổ chức gửi đến trong 6 tháng đầu năm hoặc 6 tháng cuối năm, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và trình Chủ tịch UBND xem xét, quyết định, như vậy, thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận BCVPL xem xét, ra quyết định công nhận, miễn nhiệm sẽ không quy định là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị công nhận BCVPL có đầy đủ thông tin theo quy định của Thông tư số 10/2016/TT-BTP mà thời gian để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận, miễn nhiệm BCVPL sẽ thực hiện sau khi Sở Tư pháp (đối với cấp tỉnh), Phòng Tư pháp (đối với cấp huyện) tổng hợp danh sách những người được đề nghị công nhận, miễn nhiệm BCVPL trong định kỳ 6 tháng đầu năm hoặc 6 tháng cuối năm để trình Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định.
- Cần phải quy định rõ Sở Tư pháp có thẩm quyền quản lý về mặt Nhà nước đối với BCVPL cấp tỉnh, còn Phòng Tư pháp có thẩm quyền quản lý về mặt Nhà nước đối với BCVPL cấp huyện, để tránh tình trạng các địa phương có cách hiểu khác nhau dẫn đến tình trạng các địa phương không thực hiện việc công khai danh sách BCVPL, quyết định công nhận BCVPL, quyết định miễn nhiệm BCVPL, ... Để giải quyết vướng mắc trong khi pháp luật quy định chưa rõ ràng về nội dung này, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long sắp tới khi ban hành quy trình ISO trong giải quyết nội bộ thủ tục hành chính thì các quyết định công nhận, miễn nhiệm BCVPL sẽ được công bố công khai để các cơ quan, đơn vị đề nghị nắm được BCVPL của đơn vị mình.
- Do hàng năm UBND ra nhiều quyết định công nhận, miễn BCVPL nếu về lâu dài để khi các cơ quan, đơn vị rà soát thì rất tốn kém thời gian, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi số BCVPL đã được công nhận hay miễn nhiệm thì đề xuất trong danh sách theo dõi báo cáo viên pháp luật cần phải có cột thông tin về quyết định miễn nhiệm và công nhận, theo dó danh sách BCVPL cần phải có thông tin như họ tên, năm sinh, đơn vị công tác, số quyết định công nhận và miễn nhiệm.
Thiết nghĩ, việc đề xuất như trên nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc công nhận, miễn nhiệm BCVPL, qua đó pháp luật trong thời gian tới cần kịp thời bổ sung những quy định phù hợp liên quan đến BCVPL nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công nhận, miễn nhiệm BCVPL, góp phần thực hiện tốt trong việc cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay./.