Ý nghĩa của việc khiếu nại trong đời sống xã hội
Khái niệm khiếu nại
Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại điều 30 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” .
Trong đời sống xã hội hiện nay, khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có ý nghĩa rất thực tế to lớn thể hiện qua những vấn đề sau đây:
- Bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của công dân
Trong hoạt động quản lý, theo quy định của pháp luật các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước có quyền chủ động thực hiện quyết định hoặc hành vi hành chính để thực hiện nhiệm vụ công vụ của mình, trong các quyết định, hành vi đó có thể có những quyết định hoặc hành vi không phù hợp với thực tế, thậm chí vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực tới cơ quan, tổ chức và công dân; Khiếu nại giúp bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm hại vì mỗi khiếu nại không chỉ chứa đựng thông tin về sự vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà còn thể hiện sự phê phán các chủ thể: những người có chức vụ mà các hành động của họ theo quan điểm của người khiếu nại dẫn đến vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.v.v.v…Để giải quyết vấn đề này pháp luật quy định cơ quan, tổ chức và công dân thực hiện việc khiếu nại để đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước. Quá trình khiếu nại cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đưa ra các thông tin tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung khiếu nại của mình là đúng, là chính xác, khách quan phù hợp với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; việc làm này đồng nghĩa với việc chứng minh các tác động tiêu cực bởi các quyết định hoặc hành vi hành chính cơ quan nhà nước tới họ là vi phạm, không phù hợp pháp luật. Do vậy có thể nói khiếu nại có ý nghĩa rất thiết thực để cơ quan, tổ chức hoặc công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước những tác động bởi các quyết định hoặc hành vi trái pháp luật cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước.
- Là hình thức tham gia hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Những năm qua bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đoàn kết xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, công bằng văn minh.
Thông qua các khiếu nại của công dân, cơ quan Nhà nước có được những thông tin cần thiết về những khiếm khuyết, bất cập trong các hoạt động quản lý, từ đó có cơ sở xem xét, sửa đổi để hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội phát triển lành mạnh theo đúng chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, bằng việc khiếu nại đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, qua đó đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hoặc hành vi hành chính của mình tức là công dân đã tham gia một cách trực tiếp và thiết thực vào các hoạt đông quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
- Là hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lý nhà nước
Điều 2 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ….". Thể chế hóa quan điểm này, nhiều văn bản pháp luật đã quy định những quyền cụ thể của công dân, trong đó có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi hành chính. Thông qua việc khiếu nại công dân gián tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động của các cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan đó. Đồng thời, thông qua các khiếu nại, các cơ quan Nhà nước có được thông tin làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quyết định, hành vi hành chính sai phạm, đổi mới các hoạt động, làm cho hoạt động quản lý nhà nước đúng chính sách, pháp luật, phù hợp với các quyền, lợi ích của nhân dân. Như vậy, khiếu nại là một trong những hình thức thức cơ bản thể hiện quyền làm chủ công dân trong việc xây dựng nhà nước.
- Là một hình thức biểu hiện trực tiếp về mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi ”. Quán triệt tư tưởng của Người các cơ quan Nhà nước luôn đề cao và vun đắp mối quan hệ với nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân thực hiện việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh với Nhà nước về những vấn đề liên quan trong đời sống xã hội. Thực tế cho thấy khiếu nại không chỉ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích đã được pháp luật quy định, mà thông qua khiếu nại công dân đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước bền vững hơn. Bởi vì phần lớn các khiếu nại đã phản ánh một cách trung thực, kịp thời những bất cập của cơ chế quản lý, những tiêu cực, sai phạm trong hoạt động quản lý, điều hành…. giúp cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp khắc phục, ngăn chặn, hạn chế hậu quả gây ra đối với công dân và xã hội. Do đó, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền khiếu nại qua đó lắng nghe ý kiến của Nhân dân, xem xét giải quyết kịp thời các đề nghị của họ chẳng những góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn làm cho mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước được tăng cường hơn. Chính vì vậy có thể nói khiếu nại có ý nghĩa thiết thực biểu hiện trực tiếp về mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước trong đời sống xã hội hiện nay.
- Khiếu nại là phương thức tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa
Khiếu nại là một trong nhiều phương thức nhằm đảm bảo các quyết định, hành vi hành chính phải được ban hành đúng quy định của pháp luật, không xâm hại tới các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Thông qua việc khiếu nại các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân đã bị xâm hại hoặc đe dọa bị xâm hại sẽ được khôi phục. Ngoài ra, việc khiếu nại giúp cho hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính có hiệu quả, các quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật được sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời, từ đó phòng ngừa các vi phạm pháp luật xảy ra từ phía những người thực thi công vụ. Như vậy, chúng ta thấy khiếu nại có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa./.
Minh Bình